Khi tới Nhật Bản, bạn sẽ có cảm giác đất nước này không có lúc nào ngơi nghỉ nhưng trên thực tế thì các siêu thị của Nhật Bản lại không phải như vậy. Sự thật là hầu hết các siêu thị tại Nhật Bản sẽ không hoạt động 24/7, và điều này càng chính xác hơn tại các khu vực xa thành thị. Một số siêu thị mở cửa sớm từ 7 giờ sáng và muộn nhất là 10 giờ sáng, thời điểm đóng cửa là dao động từ 8 giờ tối tới 1 giờ đêm. Ngày nay, ngày càng nhiều siêu thị dần dần chuyển sang mô hình hoạt động 24/7 nhưng bạn cũng đừng ngạc nhiên nếu thấy siêu thị gần nhất với chỗ bạn đóng cửa vào lúc 9 giờ tối.
Có một số siêu thị hoạt động suốt 24/7 ví dụ như Seijo Ishii và Hanamasa, nhưng kể cả vậy thì không phải siêu thị nào thuộc hệ thống này cũng hoạt động như thế.
Những điểm khác biệt giữa siêu thị Nhật Bản và các quốc gia khác?
- Xe đẩy hàng: Ở Nhật Bản, xe đẩy hàng không phải là để đựng hàng hóa mà là đựng những chiếc rổ! Thông thường, người ta sẽ lấy một chiếc xe đẩy, đặt một chiếc rổ lên phía trên và sau đó để đồ vào trong những chiếc rổ đó. Nếu bạn định mua nhiều hàng hóa, bạn có thể đặt thêm một chiếc rổ xuống bên dưới. Những cửa hàng tạp hóa quy mô lớn còn có những xe đẩy cỡ lớn đủ để chứa hai chiếc rổ phía trên và hai chiếc rổ phía dưới.
- Màu rổ: Rất nhiều siêu thị tại Nhật Bản sử dụng hệ thống rổ hai màu nhằm chống trộm cắp – lúc mua sắm trong siêu thị thì dùng một màu còn sau khi thanh toán sẽ chuyển sang rổ màu khác. Đây là hệ thống vô cùng đơn giản nhưng lại rất hiệu quả!
- Tự thanh toán: Hầu hết các siêu thị tại Nhật Bản không có các máy thanh toán tự động. Thậm chí khi chỉ mua một món đồ nhỏ trong siêu thị thì bạn vẫn sẽ phải xếp hàng chờ đợi thanh toán tại quầy. Tuy nhiên, nếu bạn gặp may khi tìm được siêu thị có máy tự thanh toán thì sẽ rất tuyệt vì phần lớn những chiếc máy này có hỗ trợ đa ngôn ngữ.
- Xếp đồ vào túi: Ở Nhật Bản, khách hàng thường sẽ tự mình chịu trách nhiệm cho đồ vào các túi. Hầu hết mọi nơi đều sẽ có một quầy đựng túi ở phía trước quầy thanh toán để khách hàng có thể xếp hàng hóa của mình vào túi sau khi đã thanh toán xong.
Trên đây là một số điểm khác biệt chính mà chúng tôi nhận thấy trong nhiều năm qua. Hãy đọc thêm nội dung bên dưới và bạn sẽ còn tìm ra một số điểm khác biệt nữa đó.
Có thể thanh toán bằng thẻ tín dụng được không?
Nhật Bản là xã hội chuộng mua bán bằng tiền mặt. Mặc dù ngày nay nhiều cửa hàng đã chấp nhận các hình thức thanh toán không phải tiền mặt như thẻ tín dụng hay thậm chị là thẻ IC, nhưng thường bạn sẽ dễ bắt gặp những siêu thị chỉ chấp nhận tiền mặt mà thôi. Thậm chí, tại các siêu thị chấp nhận hình thức thanh toán qua thẻ thì bạn cũng sẽ nhìn thấy những quầy thanh toán chỉ chấp nhận tiền mặt! Vì thế, chúng tôi khuyên bạn hãy mang theo tiền mặt bên mình bất cứ lúc nào.
Một hình thức thanh toán phi tiền mặt nữa là trả bằng điểm.
Làm thế nào để tiết kiệm tiền khi đi siêu thị ở Nhật?
Mua đồ thực phẩm tươi sống vào buổi tối
Bất kỳ thực phẩm tươi sống hoặc đồ ăn chế biến sẵn nào không được bán hết vào gần cuối này đều có xu hướng được giảm giá, đôi khi mức giảm giá lên tới 50%. Mặc dù sự lựa chọn thực phẩm chắc chắn sẽ ít hơn so với việc đi mua vào ban ngày nhưng bạn chắc chắn sẽ tiết kiệm được khá nhiều tiền nếu đi mua đồ vào buổi tối muộn.
Hãy tìm kí tự 割, tiếng Nhật nghĩa là giảm giá. Số ở phía trước kí tự đó sẽ nói cho bạn biết phần trăm giá thành món đồ được giảm giá. Hãy lấy hình trên làm ví dụ, 2割 nghĩa là giảm giá 20%.
Bạn có thể cũng thấy từ “yen” (円) ngay sau từ 割引 hoặc chỉ 引き. Trong trường hợp này, phần giảm giá có thể không phải là phần trăm mà là một lượng tiền cố định tính bằng yên. Ví dụ, 20円引きnghĩa là giảm giá 20 yên.
Cửa hàng tiện lợi so sánh với siêu thị
Điều tuyệt vời nhất của cửa hàng tiện lợi chính là nó rất tiện lợi. Rất nhiều cửa hàng mở cửa cả 24/7, họ bán nhiều mặt hàng nhu yếu phẩm và bạn có thể tìm thấy những cửa hàng này ở khắp mọi nơi. Tuy nhiên tất cả sự tiện lợi sẽ đi cùng một giá cả. Nhìn chung, những món đồ được bán ở cửa hàng tiện lợi thường có giá cao hơn một chút với giá ở siêu thị. Ví dụ như kem, đồ uống và đồ ăn vặt, thường sẽ được ưu đãi ít hơn ở siêu thị. Hãy chú ý sự khác biệt về giá cả và lên kế hoạch đi siêu thị kỹ lưỡng nhé!
Siêu thị thông thuờng so sánh với cửa hàng giảm giá
Đối với những mặt hàng thiết yếu như rau, bánh mì và đồ uống, sự khác biệt về giá giữa những chuỗi siêu thị khác nhau về cơ bản là không đáng kể đối với người tiêu dùng. Nhưng ở một vài địa điểm, người ta sẽ đưa ra những ưu đãi tuyệt vời cho các mặt hàng đắt tiền hơn như thịt, đồ ăn chế biến sẵn hoặc khi mua với số lượng lớn. Ví dụ như chuỗi Hanamasa và Gyomu Super, thường để phục vụ các nhà hàng nên có nhiều ưu đãi về giá.
Một địa chỉ giảm giá khá phổ biến khác để bạn có thể mua sắm tất cả mọi thứ là chuỗi cửa hàng Don Quijjote. Mặc dù cửa hàng thường được biết đến là nơi có vô số sự lựa chọn đồ lưu niệm tuyệt vời và nhiều cửa hàng còn có cả một khu siêu thị khổng lồ luôn tự hào với các loại mặt hàng thực phẩm tươi ngon, được đông đá hoặc đóng can, thực phẩm được đóng chai. Bạn sẽ tìm thấy mọi thứ từ các loại gia vị đến rau quả tươi và thậm chí cả phô mai nhập khẩu, tất cả đều có giá ưu đãi!
Đăng ký làm thẻ tích điểm
Rất nhiều siêu thị của Nhật Bản áp dụng chương trình khách hàng thân thiết để bạn có thể được tích điểm cho mỗi lần mua sắm. Những điểm này thường không thể đổi thành tiền mặt nhưng chúng có thể được sử dụng cho lần thanh toán tiếp theo. Nói cách khác, đây là một cách đơn giản để kiếm được tiền miễn phí!
Điều lưu ý là bạn cần phải biết tiếng Nhật để có thể đăng ký vào chương trình. Một điều bất cập là bạn cần phải gia hạn thành viên hàng năm và thẻ thành viên của bạn sẽ bị hủy bỏ tư cách nếu bạn không mua sắm đủ một số tiền nhất định trong một khoảng thời gian được đề ra.
Tất cả những điều này có nghĩa là nếu bạn thường xuyên đến Nhật Bản và biết một chút tiếng Nhật hoặc có một người có thể phiên dịch cho bạn, bạn nhất định nên tận dụng ưu điểm của những chương trình này.
Tận hưởng việc trải nghiệm mua sắm ở siêu thị Nhật Bản!
Đối với rất nhiều người, việc dùng bữa ở nhà hàng có thể là một trong những điểm nhấn của bất cứ kỳ nghỉ nào, nhưng điều đó có thể thực sự làm thâm hụt ví tiền của họ. Một số người khác lại không muốn đi ăn bên ngoài trong kỳ nghỉ vì họ có chế độ ăn kiêng hà khắc. Ngoài ra cũng có một số người trong những kỳ nghỉ kéo dài, sau nhiều tuần ăn uống bên ngoài cảm thấy chán ngán với những món ăn của các nhà hàng.
Các siêu thị của Nhật Bản đem đến giải pháp cho tất cả mọi người! Chắc chắn việc mua sắm thực phẩm ở Nhật Bản ban đầu sẽ khiến bạn đau đầu, đặc biệt nếu bạn không biết tiếng nhưng điều đó sẽ thực sự dễ dàng nếu bạn tham khảo hướng dẫn này. Nếu bạn tập trung hết can đảm để thử, bạn chắc chắn sẽ có được một trải nghiệm tuyệt vời khi có thể tận mắt quan sát và biết được người Nhật Bản ăn gì hàng ngày.